Hot

Menu

Góc chuyên gia

Gửi Câu hỏi

1Tại sao trẻ hay ốm sốt và cần làm gì để phòng ngừa trẻ ốm sốt tốt nhất?

Câu hỏi: chào chuyên gia ! Mỗi khi thời tiết giao mùa đặc biệt vào mùa hè hoặc mùa đông bé nhà tôi hay ốm sốt và nhiễm một số bệnh về hô hấp. Mỗi lần như vậy bé hay khóc, lười ăn và mỗi lần đi khám lại uống rất nhiều thuốc khiến bé mệt mỏi và gầy đi nhiều. vậy xin chuyên gia cho biết nguyên nhân tại sao cháu hay ốm sốt và cách phòng ngừa như thế nào là tốt nhất. Xin cảm ơn !

Xem trả lời

chào bạn Để hiểu rõ tại sao là vấn đề rất phức tạp, tuy nhiên có một số nguyên nhân như: - Hệ miễn dịch của trẻ yếu và chưa hoàn thiện. Sau khi sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Trẻ có sự nhạy cảm cao với điều kiện bên ngoài và sức chịu đựng kém. Điều này rất dễ hiểu đối với cơ thể còn non nớt và thể trạng còn yếu của trẻ. Các văcxin tiêm phòng chỉ có thể gia tăng khả năng miễn dịch của trẻ với những bệnh nhất định, tuy nhiên không phải là tất cả, nhất là đối với những bệnh dễ mắc như: cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên do nhiều loài virus. - Hệ tiêu hóa chưa tốt. Hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện, các men tiêu hoá chưa đủ cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu hóa thức ăn, đặc biệt những trẻ biếng ăn và có chế độ ăn chưa phù hợp. Điều này xảy ra với đa số trẻ do khẩu phần của trẻ phần lớn được quyết định bởi người lớn. Rồi thói quen “ép ăn” cũng khiến cho trẻ có tâm lý “sợ ăn” và dẫn đến việc không đủ chất, hoạt động của nhiều cơ quan không được cân bằng và là cơ sở của nhiều căn bệnh. - Sự hạn chế sử dụng thuốc đối với trẻ. Có rất nhiều loại thuốc chống chỉ định đối với trẻ em, theo nhiều độ tuổi, dẫn đến có những căn bệnh với người lớn chỉ cần uống thuốc là khỏi, nhưng với trẻ em thì không thể sử dụng. Nhất là kháng sinh, sử dụng nhiều cho cơ thể trẻ là hoàn toàn không tốt, vì dễ dẫn đến việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa kém đi và kết quả là thể trạng của trẻ không thể được cải thiện, lại càng dễ mắc bệnh hơn. - Một số ít trường hợp có thể trẻ bị suy giảm miễn dịch. Đây là trạng thái cơ thể không sinh được đáp ứng miễn dịch hoặc chỉ sinh được một đáp ứng miễn dịch yếu không thể đáp ứng được với yêu cầu của cuộc sống bình thường. Cụ thể là không chống lại được các vi sinh vật gây bệnh, hậu quả là cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đi đến tử vong. Nguyên nhân của suy giảm miễn dịch có thể do bẩm sinh (suy giảm miễn dịch tiên phát) hoặc mắc phải (suy giảm miễn dịch thứ phát), làm cho các loại tế bào có thẩm quyền miễn dịch không còn khả năng phản ứng với các kháng nguyên nữa. Để cải thiện thể trạng và phòng chống bệnh tật cho trẻ cần: - Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể bằng cách nâng cao hệ miễn dịch đường tiêu hoá, vì 70-80% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở thành ruột, giúp đường tiêu hoá khoẻ mạnh và trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng. - Bổ sung những vi chất dinh dưỡng quan trọng, các vitamin, axit amin thiết yếu để trẻ mau chóng bình phục sau ốm đặc biệt là bổ sung Vitamin C tự nhiên từ rau, củ, quả để tăng cường sức đề kháng và tăng cường miễn dịch cho bé Chúc bạn và gia đình sức khỏe !

1nguyên nhân sốt và cách chăm sóc bé khi bị sốt

Câu hỏi: chào chuyên gia ! Bé nhà tôi năm nay 2,5 tuổi cháu rất hay sốt vào mùa hè, uống thuốc hạ sốt đỡ xong lại sốt trở lại đi khám thì bác sĩ không cho uống thuốc chỉ nói là theo dõi. Xin chuyên gia cho biết nguyên nhân sốt và cách chăm sóc bé khi bị sốt ạ. Xin cảm ơn !

Xem trả lời

Chào bạn Sốt là một triệu chứng, không phải là bệnh. Nó là phản ứng bình thường của cơ thể trước một sự nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn) nào đó. Sốt giúp chống lại sự nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể. Hầu hết các cơn sốt (từ 37.8 đến 40oC hoặc 100 đến 104F) mà trẻ mắc phải đều không nguy hiểm. Các nguyên nhân phần lớn là từ các bệnh do virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Một vài nguyên nhân là do bệnh từ vi khuẩn mang lại như viêm họng hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Mọc răng không phải là nguyên nhân gây sốt. có thể con bạn sốt virus trong một số trường hợp sốt do virus sau một thời gian có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc bạn ạ. Khi trẻ sốt cha mẹ cần: Cung cấp nhiều nước và bận quần áo thoáng mát: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Nước trong cơ thể có thể mất đi trong các cơn sốt do sự đổ mồ hôi. Quần áo nên hạn chế tối đa vì hầu hết nhiệt độ sẽ thoát qua da. Không nên trùm, bận đồ cho trẻ quá dày vì có thể là nguyên nhân khiến sốt cao hơn. Trong thời gian trẻ cảm thấy lạnh hoặc run rẩy, hãy đắp cho trẻ một chiếc khăn mỏng. Nếu nhiệt độ thấp hơn 39oC (102F) thì chỉ cần xử lý như trên, thuốc hạ sốt ở trường hợp này là không cần thiết. Hãy nhớ rằng sốt giúp con bạn chống lại sự nhiễm bệnh. Chỉ thực sự cần dùng đến thuốc nếu chúng gây ra sự khó chịu. Điều đó thường có nghĩa là trẻ sốt trên 39oC (102F). Các loại thuốc bắt đầu có tác dụng sau 30 phút, và kéo dài 2 giờ sau khi uống. Thuốc sẽ giúp giảm sốt xuống 1 đến 1.5oC (2F đến 3F). Thuốc hạ sốt không hạ nhiệt độ xuống thành nhiệt độ cơ thể bình thường trừ khi nhiệt độ sốt không cao trước khi uống thuốc. Lặp lại việc kiểm tra liều lượng thuốc là cần thiết bởi vì cơn sốt vẫn còn lên hoặc xuống cho đến khi hết bệnh. Nếu con bạn đang ngủ, thì không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc. - Acetaminophen: Các trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể được cho uống acetaminophen (tylenol). Cho uống đúng liều lượng thuốc với cân nặng của trẻ mỗi 4 đến 6 giờ. Liều lượng acetaminophen được tính dược trên cân nặng, ví dụ: từ 15 – 20 mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ. Không được cho trẻ uống acetaminophen hơn 5 lần/ ngày. - Ibuprofen: Ibuprofen (advil, motrin) được cho phép sử dụng với trẻ trên 6 tháng tuổi. Một lợi thế của ibuprofen là tác dụng (6–8h) kéo dài hơn acetaminophen (4-6h). Cho đúng liều lượng dành cho cân nặng của trẻ mỗi 6-8 tiếng. Liều lượng của Ibuprofen là 5-10mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ Lau mình: Lau mình thường là không cần thiết trong việc hạ sốt. Không bao giờ lau mình trẻ mà trước đó không cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Lau mình trẻ chỉ khi sốt cao hơn 40oC (104F) và độ sốt kiểm tra sau 30 phút - sau khi uống acetaminophen hay ibuprofen vẫn không hạ. Nếu bạn lau mình trẻ, nên sử dụng nước âm ấm ( 29-32oC hay 85-90F). Việc lau phát huy tác dụng nhanh hơn ngâm mình cho trẻ - cho trẻ ngồi trong thau xâm xắp nước và giữ cho bề mặt da luôn ướt. Trẻ cảm thấy mát hơn do sự bốc hơi nước. Nếu trẻ run rẩy, ta nâng nhiệt độ nước lên hoặc ngừng lau mình cho tới khi acetaminophen hay ibuprofen có tác dụng. Không nên hy vọng nhiệt độ sốt sẽ xuống dưới mức 38.3oC (101F). Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ sốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ xử lý. Chúc bạn sẽ có cho mình những kinh nghiệm để chăm con khỏe mạnh !

1Kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm như thế nào? làm sao để tránh tình trạng kháng thuốc ở trẻ?

Câu hỏi: Chào chuyên gia ! con tôi năm nay 4 tuổi, cháu rất hay bị ốm, sốt và ho lúc đó tôi cho cháu đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc. Những lần sau cháu ho sốt tôi ra hiệu thuốc và tự mua thuốc cho cháu uống nhưng bạn bè tôi nói nếu tự mua thuốc như vậy rất dễ bị kháng thuốc khiến tôi rất lo lắng. Vậy nếu kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm như thế nào? làm sao để tránh tình trạng kháng thuốc ở trẻ. Mong nhận được hồi đáp từ chuyên gia. Xin cảm ơn !

Xem trả lời

Chào bạn ! Tác hại lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh đó chính là tạo ra một chủng vi khuẩn có khả năng kháng thuốc, nghĩa là các loại thuốc kháng sinh giờ đây không thể tiêu diệt các vi khuẩn. Cụ thể, đây là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng… kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Trẻ em sẽ dần trở nên kém cỏi để chống lại sự nhiễm trùng thông thường, ngay cả bệnh cảm cúm. Việc kháng thuốc, về lâu dài còn khiến sức khỏe của con người giảm sút. Khi cơ thể có một loại vi khuẩn mà kháng sinh không thể kháng lại, các loại bệnh sẽ không thể bị khuất phục và thậm chí bệnh còn gây ra những biến chứng nguy hiểm tùy vào từng thể bệnh. Việc cơ thể phải tiếp nhận những loại kháng sinh không cần thiết, nó sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, đồng thời nó còn vô tình tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể mình dẫn đến cơ thể yếu đi, sức khỏe giảm sút. Việc kháng thuốc còn có thể tạo ra một chủng kháng thuốc lây lan trong cộng đồng. Khi đó, không chỉ người bệnh phải chịu ảnh hưởng mà còn khiến cả cộng đồng gánh hậu quả. Ngoài ra, đến một giai đoạn nào đó, các chủng bệnh sẽ không còn thuốc để chữa, dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng chung đến toàn xã hội. Để hạn chế việc kháng thuốc ở trẻ, trước hết nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây kháng thuốc ở trẻ. Nếu nguyên nhân xuất phát từ phía thầy thuốc, thì có thể là do việc kê đơn theo khuôn mẫu với những căn bệnh không cần thiết, hoặc do dược sĩ tùy tiện kê đơn cho người bệnh không cần đơn thuốc. Vì vậy, khi bán thuốc kháng sinh, nên bán thuốc khi có đơn thuốc kèm theo, hoặc hỏi rõ các triệu chứng, nguyên nhân của bệnh để bán thuốc theo đúng liệu trình; các cán bộ y tế nên tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn cho người bệnh. Về phía các bậc cha mẹ, không nên vì kém hiểu biết, chủ quan mà tùy ý mua thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mỗi người chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn. Điều quan trọng là bạn nên hiểu kháng sinh chỉ dùng cho trường hợp nhiễm trùng, không nên sử dụng kháng sinh khi mắc các bệnh thông thường. chúc bạn có cho mình những kinh nghiệm để dùng thuốc cho con đúng và an toàn nhất.

1phương pháp phòng bệnh mùa nắng nóng ở trẻ như thế nào cho tốt nhất

Câu hỏi: Chào chuyên gia ! Vào mùa hè thời tiết nóng nực trẻ rất hay bị ốm hoặc nhiễm bệnh như sốt phát ban, sởi, sốt virus, sốt xuất huyết.... vì vậy tôi rất lo lắng vì con tôi sức đề kháng kém có thể cháu sẽ bị nhiễm bệnh. Vậy chuyên gia có thể tư vấn phương pháp phòng bệnh mùa nắng nóng ở trẻ như thế nào cho tốt nhất được không? xin cảm ơn chuyên gia.

Xem trả lời

Chào bạn ! Mùa nắng nóng cần có một chế độ ăn uống hợp lý, không nên xáo trộn quá mức so với chế độ ăn ở trường học với chế độ ăn ở gia đình. Mọi gia đình, lớp mẫu giáo, vườn trẻ, các cơ sở trông trẻ (ngay cả các cơ sở trông trẻ nhỏ lẻ) cần đặc biệt quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Không cho trẻ uống nước lã, nước chưa được đun sôi, không ăn quả xanh chưa được khử khuẩn. Cần vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, đồ chơi của trẻ hàng ngày theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương (phường, xã). Cần vệ sinh tay cho trẻ trước khi ăn bằng cách rửa sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Đối với trẻ lớn, cần hướng dẫn cho trẻ vệ sinh tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên tập cho trẻ có thói quen vệ sinh răng miệng, họng, bàn tay hàng ngày như đánh răng sau khi ăn, trước, sau khi ngủ dậy.Không nên cho trẻ chơi, nghịch ngoài nắng gay gắt, nhất là vào buổi trưa, chiều và xế chiều. Đồng thời hưởng ứng và tham gia tích cực tiêu diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng) với mọi hình thức mà y tế cơ sở phổ biến, yêu cầu. Không nên cho quạt mát xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ ngủ cũng như lúc trẻ chơi và không nên để nhiệt độ điều hòa thấp quá (nên đặt chế độ 27-28oC là vừa). Khi trẻ chơi mà ra mồ hôi nhiều làm ướt áo, quần thì cần thay cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp. Cần tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ, nhất là các loại vắc-xin trong chương trình 'Tiêm chủng mở rộng' và các loại vắc-xin được ngành y tế khuyến cáo nên dùng cho trẻ. Bởi vì tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho trẻ. chúc bạn có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con khỏe và phòng bệnh vào mùa nóng.

1những biện pháp giúp tăng sức đề kháng ở trẻ

Câu hỏi: Chào chuyên gia ! Xin chuyên gia cho biết những biện pháp giúp tăng sức đề kháng ở trẻ, giúp trẻ khỏe và phòng bệnh hiệu quả hơn. Cảm ơn rất nhiều.

Xem trả lời

chào bạn ! Sức đề kháng của cơ thể không phải vĩnh viễn mà luôn luôn thay đổi tùy theo hoạt động của cơ thể. Sức đề kháng của cơ thể sẽ suy giảm khi chế độ sinh hoạt không bình thường, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta biết rằng khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ thì trẻ được bảo vệ hết sức an toàn, môi trường trong lành, yên tĩnh, mọi sự sống của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Khi chào đời, trẻ bắt đầu tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn xa lạ và đầy thử thách như nhiệt độ, môi trường, khí hậu, tác nhân có hại (bụi, nóng, vi sinh vật gây bệnh…), đồng thời, sau khi rời khỏi mẹ (cắt rốn) thì nguồn kháng thể của mẹ truyền sang bị ngưng đột ngột trong khi trẻ chưa thể tự tạo ra kháng thể để đáp ứng với các tác nhân gây bệnh đó. Lúc này rất cần thiết sự hỗ trợ kháng thể của người mẹ có trong sữa mẹ và chính sữa mẹ là nguồn kháng thể vô cùng quan trọng cho trẻ sơ sinh và cả những tháng ngày sau đó. Bên cạnh sữa mẹ là quá trình nuôi dưỡng trẻ phải đảm bảo đủ chất, đủ lượng trong mỗi một bữa ăn để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và các loại vitamin cần thiết cho hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng để đảm bảo cho trẻ phát triển tốt thì cần cho trẻ ngủ tốt (trẻ 2 tuổi cần ngủ từ 12 – 15 giờ, khi trẻ tăng thêm 1 tuổi thì số giờ trẻ ngủ giảm đi 1 giờ). Cần cho trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng 1.500ml, bao gồm nước có trong thực phẩm, hoa quả). Trong thực đơn hàng ngày, cần cho trẻ ăn nhiều rau và hoa quả chứa nhiều vitamin nhóm B, C (cam, xoài, ổi…). Ngoài ra, cần cho trẻ hoạt động thể lực, không nên để trẻ ngồi một chỗ, nằm lì trong võng hoặc bế ẵm suốt ngày. Với trẻ nhỏ, hàng ngày, lúc sáng sớm vừa có ánh nắng mặt trời và buổi xế chiều, nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mỗi ngày khoảng 15 phút. Vấn đề tạo kháng thể thụ động để chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn cũng hết sức quan trọng, đó là tiêm vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc gia cho trẻ. Chúc bạn sức khỏe !

1Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng bệnh sốt phát ban ở trẻ

Câu hỏi: Xin chào chuyên gia ! Tuần trước con tôi bị sốt và có nổi nhiều nốt đỏ trên người, tôi nghi ngờ con bị sốt xuất huyết nên và lập tức đưa bé đi viện. Bác sĩ khám và kết luận là sốt phát ban và được bác sĩ kê đơn thuốc uống, hiện tại bệnh đã ổn định. Vậy chuyên gia cho tôi hỏi nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sốt phát ban, cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban hiệu quả nhất? Xin cảm ơn !

Xem trả lời

Chào bạn. Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh. Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm vi rút (70 – 80%), trong đó virus đường hô hấp luôn chiếm đa số bao gồm virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus… Đây chính là lý do tại sao trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần. Sốt phát ban do virus sởi và virus gây bệnh rubella là 2 nguyên nhân thường gặp. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh rubella gọi là ban đào. Biểu hiện chung của sốt phát ban là sau thời gian ủ bệnh trung bình khoảng một tuần, trẻ thường bị sốt, trẻ có thể sốt nhẹ (37,5oC – 38oC) hoặc sốt cao (39oC – 40oC) tùy theo thể trạng và nguyên nhân gây bệnh, khi bớt sốt sẽ xuất hiện hồng ban trên người với tính chất đặc thù của từng bệnh, cụ thể: Ban do virus sởi (ban đỏ): khởi bệnh trẻ thường bị sốt, khi dấu hiệu sốt giảm sẽ xuất hiện dấu hiệu phát ban, lúc đầu ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra một số triệu chứng kèm theo như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt. Virus sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhất là biến chứng viêm phổi và viêm não do virus Ban do virus rubella (ban đào): phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan xuống dưới chân, thời gian phát ban thường kéo dài khoảng 3 ngày. Ban do rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi, có thể kèm theo tình trạng sưng hạch sau tai, hạch cổ và dưới chẩm, bệnh nhân có thể bị đau khớp. Virus gây bệnh rubella khá lành tính đối với trẻ nhưng lại rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. phòng ngừa bệnh sốt phát ban cho trẻ – Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi ngờ đang mắc bệnh, cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban. – Cách phòng ngừa tốt nhất là chủng ngừa: Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi. - Bổ sung thực phẩm hoa quả giàu Vitamin C hoặc chế phẩm từ Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ giúp trẻ khỏe hơn và phòng bệnh tốt hơn. chúc bạn có cho mình những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho con.

1Có nên tắm cho trẻ khi trẻ bị sốt không?

Câu hỏi: Chào chuyên gia! Bé nhà tôi khi bị ốm, sốt cao tôi muốn tắm cho bé để hạ sốt nhưng mẹ chồng tôi lại nói khi sốt không nên tắm. Vậy theo chuyên gia bé sốt có nên tắm hay không? Xin cảm ơn

Xem trả lời

Chào bạn ! Theo quan niệm của nhiều người, khi trẻ bị ốm, sốt thì không nên tắm. Nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa nhi nếu được tắm đúng cách còn góp phần giúp trẻ hạ sốt hiệu quả. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ, bố mẹ còn có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách tắm an toàn, đúng kỹ thuật. - Cách tắm đúng như sau: Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. - Nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và cần phải duy trì nhiệt độ này trong suốt thời gian tắm. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ. - Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng. - Nếu không đảm bảo có thể tắm đúng kỹ thuật nêu trên, thì tốt nhất bạn không nên tắm cho trẻ khi sốt, mà chỉ cần lau người và các khu vực: nách, cổ, bẹn, lưng để hạ sốt cho trẻ. Những trường hợp nào không nên tắm cho trẻ? - Khi bé vừa tiêm phòng xong hoặc cơ thể bị tổn thương, chốc lở: Lúc này, tốt nhất không nên tắm cho trẻ vì khi đó da đang bị tổn thương, tắm cho trẻ rất dễ gây nhiễm trùng tại vết thương đó. - Khi bé đang bị cảm lạnh, nôn nhiều, tiêu chảy: Khi trẻ bị các triệu chứng trên, tốt nhất không nên tắm cho trẻ mà chỉ cần lau người. Khi trẻ ăn no xong: Lúc này những mạch máu dưới da bị giãn nở khiến lưu lượng máu dồn đến đây nhiều trong khi đó lượng máu ở phần bụng tương đối ít, từ đó ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của bé. Ngoài ra, nếu vừa ăn no xong tắm, trẻ sẽ rất dễ bị nôn, trớ. Chúc bạn sức khỏe !

1Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa vào mùa hè không?

Câu hỏi: chào chuyên gia ! Tôi mới sinh con được 2 tháng đợt này thời tiết quá nắng nóng tôi có thể cho bé nằm điều hòa được không và những lưu ý khi sử dụng điều hòa cho bé. xin chuyên gia giải đáp giúp ạ.

Xem trả lời

Chào bạn, Thực tế hiện nay do thời tiết nắng nóng bất thường nên các gia đình thường phải cho trẻ nằm phòng điều hòa. Tuy nhiên việc sử dụng điều hòa, đặc biệt cho trẻ nhỏ cần phải đúng cách để tránh những tác hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Việc lạm dụng quá nhiều và sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ làm cho trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng… trẻ có cơ địa thường bị hen suyễn. Nếu để trẻ nằm lâu trong phòng có điều hòa khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh về đường hô hấp. Điều hòa dễ làm khô tuyến hô hấp, dẫn đến khó thở, trẻ nhỏ còn có thể sốt và dẫn đến các bệnh tiêu chảy… Đặc biệt, khi sử dụng điều hòa, nếu trẻ không được chú ý và chăm sóc tốt, trẻ có thể bị những biến chứng nguy hiểm. Để có thể sử dụng điều hòa đúng cách, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, bạn nên áp dụng các cách sau: Để an toàn cho bé, bạn nên để điều hòa ở chế độ chênh với nhiệt độ ngoài trời 7 độ C (ví dụ ngoài trời là 35độ C thì trong phòng điều hòa nên để 28 độ C là phù hợp) và sẽ không ảnh hưởng đến việc điều hòa thân nhiệt của bé. Không cho bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục vì nếu bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục thường làm da bé khô, họng khô. Tốt nhất, khoảng 2 - 3 giờ, bạn nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần. Trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và để cơ thể bé thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Bạn nên chú ý về việc vệ sinh máy điều hòa định kỳ, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa lại trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho bé. Phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, mở cửa phòng cho thoáng khí. Tăng cường cho trẻ bú mẹ để tránh làm trẻ mất nước do ở trong phòng điều hòa. Nên nhỏ mũi thường xuyên cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi. Chú ý thay tã ướt thường xuyên và kịp thời để tránh lạnh cho bé. Khi bé ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho bé những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton. Nên bật quạt thông gió khi sử dụng điều hòa. Nên tránh hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu bé vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng. Khi trẻ có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đưa bé đi khám, không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, nếu thời tiết không quá nóng thì không cần thiết phải cho bé sử dụng điều hòa. Gió và khí trời tự nhiên, thậm chí là gió quạt vẫn là tốt nhất cho bé và tất cả chúng ta. Chúc bạn có kinh nghiệm để chăm bé tốt hơn

1Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho bé hàng ngày có được không?

Câu hỏi: chào chuyên gia ! Tôi có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé để phòng bệnh tai mũi họng được không? dùng hàng ngày như vậy có ảnh hưởng gì không? Mong sớm nhận được tư vấn từ chuyên gia !

Xem trả lời

chào bạn ! Đối với một trẻ sơ sinh không bệnh, không phải là "bệnh nhân", thì không nên lạm dụng để sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày. Bởi, cơ thể bé sơ sinh đã có đầy đủ các hệ thống dịch sát khuẩn tự nhiên để bảo vệ hệ niêm mạc, đặc biệt là đối với các bé được bú mẹ hoàn toàn. Đây là chia sẻ của Ths Lê Nhất Phương Hồng chuyên gia sữa mẹ - Viện Sữa mẹ quốc tế. Việc vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày có thể giúp rửa trôi vi khuẩn, loại bỏ chất tiết, dị vật giúp mũi bé thông thoáng, giúp bé dễ thở hơn. Khi mũi bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương, các lớp dịch tiết ứ đọng, lúc này cần làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý trước khi nhỏ thuốc cho bé để thuốc phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bé không ốm bệnh, việc lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé sẽ làm hư hại lớp niêm mạc mũi dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Lúc này chỉ cần nhỏ rửa mũi cho bé 1 lần/ tuần hoặc chỉ khi đưa bé đến những nơi có nhiều bụi bặm. Rửa mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (nồng độ muối 0,9%), hiện nay trên thị trường thường có hai dạng là: Dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi và một loại làm từ nước biển sâu, làm giảm nồng độ muối chưa hoặc đã đẳng trương. Đối với trẻ nhỏ, nên sử dụng các loại nước nhỏ mũi không bơm áp suất, nhỏ từ 2-3 giọt, trẻ lớn hơn từ 4-5 giọt, dùng dụng cụ hút mũi thích hợp hút mũi cho bé. Chú ý tránh dùng các vật nhọn làm trầy xướt mũi. Trẻ lớn có thể dùng loại có bơm áp suất và cho bé tự xì mũi. Tránh dùng có loại bình xịt áp suất cao với trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương mũi bé cũng như rất dễ gây tình trạng sặc nước muối vì các khoang trong miệng trẻ được thông với nhau làm trẻ sợ hãi, quấy khóc. Không nên sử dụng các loại nước muối tự pha nếu không có hướng dẫn thích hợp. chúc bạn có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con khỏe !

1Trẻ nhỏ uống lượng nước trong ngày bao nhiêu là đủ

Câu hỏi: chào chuyên gia ! Đối với trẻ nhỏ thì lượng nước uống trong ngày bao nhiêu là đủ? có phải lúc nào cho bé uống nước cũng được hay không? Mong chuyên gia giải đáp giúp. Xin cảm ơn.

Xem trả lời

Chào bạn! ở mỗi một giai đoạn trẻ lại có nhu cầu về lượng nước khác nhau bạn ạ. 1/ Từ 0 – 6 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh có nên uống nước? Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ từ 0-6 tháng tuổi không gì khác chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tập cho bé uống nước từ quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao, mà còn ảnh hưởng đến cả sự an toàn tính mạng trẻ. Thận của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn yếu, đó chính là lý do bé sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường nếu được uống thêm nước. Từ đó, lượng natri trong cơ thể đồng thời bị mất đi, tác động tiêu cực đến hoạt động của đại não, dẫn đến triệu chứng khó chịu, buồn ngủ, thân nhiệt hạ thấp, phù mặt, chuột rút, co giật hoặc có thể ngất lịm. 2/ Trẻ 6 – 12 tháng tuổi Khoảng thời gian này, ngoài nguồn sữa, trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Dinh dưỡng cho bé gia đoạn ăn dặm đã khá phong phú, đa dạng. Mẹ có thể cho con tập uống nước, nhưng chỉ cần bổ sung một ít là đủ. Sau mỗi lần ăn xong, cho bé uống thêm 2 thìa nước lọc, tốt nhất là vào khoảng 15-30ml nước. Cách này vừa giúp làm sạch khoang miệng bé, lại vừa tốt cho vị giác của bé những năm đầu đời. 3/ Trẻ 1 tuổi trở lên Bé đạt mốc 1 tuổi đã có thể khéo léo dùng tay cầm nắm, vì vậy không có gì lạ khi mẹ có thể cho con tự cầm cốc uống nước. Lượng nước bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhu cầu của bé. Căn cứ vào màu nước tiểu của con, mẹ sẽ biết được bé đã uống đủ nước hay chưa.Theo đó, nước tiểu gần như trong đến màu vàng nhạt là tốt, ngược lại nước tiểu có màu vàng sậm hoặc vàng cam cho thấy bé đang thiếu nước trầm trọng. 4/ Nguyên tắc bổ sung nước cho trẻ -Trước bữa ăn, mẹ không nên cho trẻ uống nước, bởi nó có thể làm loãng dịch vị, gây hại cho hệ tiêu hóa, đồng thời còn làm trẻ no ngang và biếng ăn. -Cho bé uống ít nước trước khi đi ngủ. Tè dầm hoặc thức dậy đi tiểu có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của bé. - Ưu tiên ăn nhiều hơn uống, không uống trong bữa ăn, mà tốt nhất sau bữa ăn chúc bạn có thêm kinh nghiệm chăm sóc con khỏe !