Là một trong những căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, bệnh quai bị có thể để lại những biến chứng hết sức nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Mẹ có thể làm gì để bảo vệ con?
1/ Dấu hiệu bệnh quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc với nước bọt của người bệnh. Bệnh do một loại vi-rút thuộc họ Paramyxo gây ra, thường ảnh hưởng đến tuyến nước bọt trong má hay còn gọi là tuyến mang tai gây đau, sưng vùng dưới hàm 1 hoặc 2 bên. 25% các trường hợp nhiễm quai bị không có biểu hiện rõ rệt, nhưng phần lớn sẽ xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao, thậm chí có thể lên đến 40 độ
- Sưng một hoặc hai tuyến mang tai ở phía trước của tai và khoanh vào các góc của hàm
- Ho hoặc sổ mũi
- Đau đầu và nhức mỏi các cơ
- Đau bụng, chán ăn
Sau 14-24 ngày tiếp xúc với vi-rút gây bệnh, bé có thể bị sốt nhẹ kèm theo cảm giác đau họng, khó chịu, biếng ăn. Sau đó, tuyến mang tai bắt đầu sưng to 1 hoặc 2 bên trong vòng 3 ngày rồi giảm dần. Vùng sưng có thể lan đến má, hàm dưới, thậm chí lan đến ngực gây phù xương ức.
2/ Bệnh quai bị ở trẻ em có nguy hiểm?
Bệnh quai bị thường lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em.
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: 20-35% mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì thường bị viêm tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn sau một đợt viêm sốt kéo dài khoảng 7 ngày. 50% các trường hợp teo tinh hoàn có thể làm giảm số lượng tinh trùng và gây vô sinh.
- Viêm buồng trứng: 7% các bé gái mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì có thể dẫn đến viêm buồng trứng. Tuy nhiên, nguy cơ gây vô sinh trong các trường hợp này thường rất hiếm gặp.
- Gây tổn hại hệ thần kinh, dẫn đến viêm màng não, viêm não hoặc mất khả năng điều hành tiểu não
- Nhồi máu phổi: Là biến chứng xảy ra sau viêm tinh hoàn, gây thiếu máu nuôi dưỡng phổi, dẫn đến hoại tử mô phổi.
Biểu hiện thường gặp ở quai bị là sốt và sưng 1 hoặc 2 bên má
3/ Chăm sóc trẻ bị quai bị như thế nào?
- Khi phát hiện bé bị quai bị, mẹ nên cho con nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm cho những bé khác.
- Theo dõi và điều trị sốt: Nếu bé sốt cao, mẹ nên cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp giảm đau, giảm sưng.
- Cho bé uống nhiều nước
- Cho bé ăn uống đầy đủ, nên lựa những thực phẩm mềm, dễ ăn, tăng cường bổ sung vitamin C cho trẻ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Chú ý vệ sinh mũi, miệng cho con mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Dùng khăn sạch và nước ấm lau người cho con.
- Nên đưa bé đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
Sốt liên tục trong 3 ngày, sưng kéo dài lâu hơn 7 ngày
Bé cảm thấy đau dữ dội ở vùng bị sưng
Bé không ăn, uống được bất cứ thứ gì và bị mất nước
Bé bị co giật
4/ Phòng ngừa quai bị cho bé
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị quai bị, nhưng mẹ có thể giúp con chủ động phòng bệnh với một mũi vắc-xin. Chỉ sau 6-7 ngày tiêm phòng, vắc-xin sẽ kích thích cơ thể bé sản sinh đủ kháng thể để phòng ngừa bệnh.
Trẻ từ 9-12 tháng tuổi: 3 mũi
- Lần 1: 9 tháng tuổi
- Lần 2: Sau đó 1 tháng
- Lần 3: Một mũi nhắc lại lúc bé 4-12 tuổi
Trẻ từ 1-5 tuổi: 2 mũi
- Lần 1: 1 tuổi
- Lần 2: 4-12 tuổi
Trẻ từ 5 tuổi trở lên: 1 mũi
Nguồn Internet
Nhận biết và chăm sóc như thế nào để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh viêm phổi vào mùa hè
22/11/2024 1982 lượt xemTrẻ bị viêm mũi họng và sốt – Cách chữa trị và chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách
22/11/2024 7346 lượt xem